Giao thông vận tải (GTVT) đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong cuộc sống hiện đại. Khi điều kiện kinh tế - xã hội càng phát triển thì nhu cầu sử dụng phương tiện giao thông cơ giới ngày càng tăng cao, kéo theo đó là sự gia tăng nhanh chóng lượng nhiên liệu tiêu thụ và mức phát thải các chất ô nhiễm môi trường không khí, không những ảnh hưởng lớn đến sức khỏe con người mà còn làm tăng đáng kể lượng khí nhà kính. Các chất khí nhà kính phát sinh từ hoạt động GTVT bao gồm điôxít cácbon (CO2), oxitnitơ (N2O), mêtan (CH4) và một lượng nhỏ hydrofluorocarbon (HFC). Các khí này hấp thụ và phát xạ trở lại bức xạ hồng ngoại từ mặt đất, hạn chế lượng bức xạ từ mặt đất thoát ra ngoài khí quyển làm Trái Đất nóng lên.

     Theo đánh giá của Ủy ban Liên chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC), năm 2010 mức phải thải khí nhà kính liên quan trực tiếp đến hoạt động GTVT là 14%, trong đó GTVT đường bộ chiếm tỷ lệ lớn nhất. Ở các nước có nền kinh tế phát triển thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD), tỷ lệ chi phí trung bình cho ô nhiễm không khí do GTVT đường bộ chiếm 50% tổng chi phí. Đối với các nước không thuộc OECD, dự báo mức phát thải CO2 do GTVT có thể lên tới 46% tổng lượng thải vào năm 2030. Theo IPCC, nếu tốc độ phát thải khí nhà kính vẫn duy trì như hiện nay thì vào cuối thế kỷ này nhiệt độ trung bình của Trái Đất sẽ tăng từ 2,6 – 4,80C và mực nước biển sẽ dâng cao 0,45 – 0,82m so với hiện tại.

     Các chuyên gia và tổ chức quốc tế nhận định, Việt Nam là một trong năm nước bị ảnh hưởng nặng nề nhất dưới tác động của biến đổi khí hậu. Mực nước biển dâng sẽ làm 25% dân số Việt Nam sống ở các vùng ven biển thấp phải chịu tác động trực tiếp. Trước những hậu quả nặng nề do biến đổi khí hậu mang lại, tháng 7/2008, Chính phủ Việt Nam đã ban hành Chương trình mục tiêu quốc gia ứng phó với biến đổi khí hậu.

     Theo Bộ GTVT, việc ứng phó với tác động của biến đổi khí hậu đối với ngành GTVT đang được đặt ra một cách hết sức cấp thiết. Bộ GTVT sẽ đánh giá tác động tiềm tàng của biến đổi khí hậu đến tất cả các lĩnh vực, bao gồm cả giao thông đường bộ, đường sắt, hàng hải, đường thủy nội địa và hàng không. Đồng thời, Bộ GTVT sẽ nghiên cứu và triển khai các giải pháp thích ứng với một số dự án thí điểm, cập nhật các kế hoạch, chiến lược phát triển GTVT và rà soát, bổ sung các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật có liên quan.

     Song song với các giải pháp chiến lược về quy hoạch và phát triển GTVT, nhiều giải pháp kỹ thuật nhằm cắt giảm lượng phát thải khí nhà kính từ hoạt độngGTVT đã và đang được nghiên cứu triển khai áp dụng như:

     -  Siết chặt tiêu chuẩn khí thải đối với các phương tiện sản xuất lắp ráp và nhập khẩu mới;

     -  Thay thế nhiên liệu hóa thạch bằng nhiên liệu sinh học, khí ga hóa lỏng (LPG), khí tự nhiên (NGV), khí hydro (H2);

     -  Sử dụng phương tiện dùng năng lượng điện (EV) hoặc năng lượng kết hợp (HEV);

     -  Ứng dụng hệ thống giao thông thông minh (ITS) trong tổ chức, quản lý và điều hành mạng lưới GTVT,…

     Để có thể nhanh chóng triển khai và áp dụng hiệu quả các giải pháp trên, mỗi tổ chức, cá nhân cần nhận thức rõ hậu quả tác động của biến đổi khí hậu và trách nhiệm của mình trong việc góp phần kéo giảm tốc độ biến đổi khí hậu toàn cầu.

 

Khoa Môi trường và An toàn Giao thông