Thời gian gần đây, trên các quốc lộ, kể cả những đoạn quốc lộ mới được xây dựng, hiện tượng lún vệt bánh xe trên mặt đường bê rông nhựa xuất hiện nhiều và khá nghiêm trọng, làm ảnh hưởng đến giao thông và  gây bức xúc trong dư luận.  Bộ Giao thông vận tải đã quyết liệt chỉ đạo các cơ quan chức năng, các viện nghiên cứu, nhà trường phối hợp với các chủ đầu tư, đơn vị tư vấn thiết kế, tư vấn giám sát, đơn vị thi công khẩn trương nghiên cứu, xác định nguyên nhân và giải pháp khắc phục vệt hằn bánh xe.

            Với trách nhiệm của đơn vị đào tạo, nghiên cứu khoa học hàng đầu trong lĩnh vực Giao thông vận tải ở Việt Nam,  với lực lượng khoa học đông đảo; Trường Đại học Giao thông vận tải đã khẩn trương thực hiện chủ trương của Bộ GTVT; thành lập Ban Chỉ đạo và các tổ chuyên gia để nghiên cứu về vệt hằn bánh xe. Trên cơ sở các lý thuyết về mặt đường bê tông nhựa ở trong và ngoài nước; kế thừa những nghiên cứu về áo đường mềm, về bê tông nhựa… đã thực hiện trong nhiều năm trở lại đây, kết hợp với kết quả khảo sát hiện trường; các nhóm chuyên gia của Trường đã bước đầu nhận diện được những nguyên nhân gây ra vệ hằn bánh xe và đề xuất các giải pháp khắc phục.

            Ngày 25 tháng 6 năm 2014, tại Cơ sở II (Quận 9- TP Hồ Chí Minh), Trường Đại học Giao thông vận tải đã tổ chức Hội thảo “Nguyên nhân và giải pháp khắc phục vệt hằn bánh xe trên mặt đường bê tông nhựa”. Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Ngọc Đông đã tới dự và chỉ đạo Hội thảo. Tham gia Hội thảo có trên 100 đại biểu là các nhà khoa học của Trường Đại học Giao thông vận tải, Viện Khoa học- Công nghệ Giao thông vận tải; các đại biểu đến từ Hội KHKT Cầu Đường Việt Nam, Hội Khoa học Cầu đường- Cảng Thành phố Hồ Chí Minh, các Cục quản lý đường bộ, các Sở Giao thông vận tải, các Ban Quản lý dự án, các chủ đầu tư, nhà thầu, các cơ quan thông tấn, báo chí.

            Tại Hội thảo, các nhà khoa học đã chỉ ra nguyên nhân chính gây ra vệt hằn bánh xe là do chất lượng của bê tông nhựa không đảm bảo (sử dụng bột thu hồi thay thế bộ khoáng nghiền, cốt liệu đá đầu vào không đảm  về độ sạch, cơ tính, hình dạng, tình trang kỹ thuật và quy trình vận hành trạm trộn không đáp ứng yêu cầu kỹ thuật). Ngoài ra còn có một số nguyên nhân khác như công tác khảo sát, dự báo lưu lượng xe khi thiết kế chưa sát với thực tế, tình trạng xe quá tải lưu thông, quy trình, tiêu chuẩn thiết kế chưa cập nhật đầy đủ các yếu tố bất lợi trong điều kiện khai thác của Việt Nam, đặc biệt là yếu tố con người.

            Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải phát biểu đã biểu dương và ghi nhận sự vào cuộc tích cực của Nhà trường cùng với Bộ GTVT trong việc xác định nguyên nhân và đề xuất các giải pháp khắc phục vệt hằn bánh xe. Bộ GTVT tiếp thu, nghiên cứu các kết luận của Hội thảo và chi đạo các đơn vị chức năng của Bộ xem xét, thực hiện.

            Sáng cùng ngày, Nhà trường đã tổ chức Lễ khai trương Phòng Thí nghiệm kiểm định trọng điểm đường bộ, môi trường và an toàn giao thông tại Cơ sở II (LASXD- 1398). Phòng thí nghiệm LASXD- 1398 được trang bị nhiều thiết bị, phần mềm hiện đại với số vốn đầu tư  trên 16 tỷ đồng huy động từ nguồn lực của Nhà trường và nguồn lực xã hội hóa. Phòng thí nghiệm có thể thực hiện 259 phép thử hợp chuẩn quốc gia thuộc các lĩnh vực: Vật liệu xây dựng (Nhựa, Bê tông nhựa, nhũ tương nhựa đường axít, bột khoángthép, xi măng, bê tông xi măng, bê tông tự chèn, đất, đá, gạch xây dựng, gạch Bloc, bentonnit, vải địa kỹ thuật, màng chống thấm – Polime chống thấm, matic); Thí nghiệm hiện trường và môi trường và an toàn giao thông (Đánh giá độ bằng phẳng mặt đường theo chỉ số độ gồ ghề quốc tế IRI; Thí nghiệm độ bằng phẳng của mặt đườngkiểm tra tiếng ồn); Thí nghiệm về kết cấu (Đo chuyển vị, ứng suất, độ võng, dao động của kết cấu công trình).

Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Ngọc Đông cùng Lãnh đạo Nhà trường đã tiến hành nghi thức khai trương và cắt băng khánh thành Phòng Thí nghiệm.

Một số hình ảnh về Hội thảo khoa học vệt hằn bánh xe và khai trương Phòng Thí nghiệm kiểm định trọng điểm đường bộ, môi trường và an toàn giao thông.