Triển khai Áp dụng Mô hình Thông tin Công trình (BIM) cho lĩnh xây dựng công trình giao thông: những bước đi thiết thực từ ngành GTVT Hà Nội và sự kết hợp giữa các đơn vị quản lý nhà nước, đơn vị đào tạo, nghiên cứu, chuyển giao công nghệ và doanh nghiệp trong lĩnh vực GTVT trên địa bàn Thủ đô.

Các nhà khoa học, các nhà quản lý và các đại biểu tham dự Tọa đàm Áp dụng Mô hình hóa Thông tin Công trình (BIM) trong Công trình giao thông của TP Hà Nội chụp ảnh lưu niệm

Trong bối cảnh mô hình hóa thông tin công trình trong xây dựng không chỉ là một xu thế mà còn trở thành thực tế sinh động trong tất cả các khâu, các lĩnh vực của ngành xây dựng, Chính phủ Việt Nam đã chính thức phê duyệt Lộ trình áp dụng Mô hình thông tin công trình trong hoạt động xây dựng. Quyết định này, được ký bởi Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà vào ngày 17 tháng 3 năm 2023, đặt ra một bước ngoặt quan trọng trong phát triển của ngành công nghiệp xây dựng Việt Nam.

Theo quyết định này, việc áp dụng BIM sẽ trở thành bắt buộc đối với các công trình cấp I và cấp đặc biệt trở lên từ năm 2023, và sẽ mở rộng sang các dự án cấp II và cao hơn trong các dự án đầu tư sử dụng vốn ngân sách từ năm 2025. Điều này đòi hỏi sự hợp tác chặt chẽ giữa các cơ quan quản lý nhà nước, các đơn vị giảng dạy và nghiên cứu, cũng như các doanh nghiệp trong ngành xây dựng.

Nhằm hiện thực hóa chỉ đạo của Chính phủ và tạo điều kiện cho việc triển khai BIM một cách hiệu quả, ngày 24 tháng 4 năm 2024, Sở Giao thông Vận tải TP Hà Nội đã phối hợp với trường Đại học Giao thông vận tải và các đơn vị đồng hành đã phối hợp tổ chức buổi Tọa đàm Áp dụng Mô hình hóa Thông tin Công trình (BIM) trong Công trình giao thông của Thành phố Hà Nội. 

Tham dự buổi tọa đàm về phía đơn vị tổ chức có có TS. Đỗ Việt Hải - Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội, PGS.TS Lê Hoài Đức - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học GTVT, các đơn vị đồng hành có bà Nguyễn Quỳnh Liên - Tổng Giám đốc Công ty TNHH công nghệ cao Hải Hòa, TS. Tạ Ngọc Bình - Trưởng phòng Kinh tế đầu tư, Viện Kinh tế xây dựng, các nhà khoa học, các nhà quản lý, các cơ quan truyền thông tham dự và đưa tin về sự kiện.

Các đại biểu tham dự chương trình Tọa đàm

Tại buổi tọa đàm: các vấn đề cơ bản của việc áp dụng BIM cho công trình GTVT trên địa bàn TP Hà Nội như Cơ chế, chính sách và chi phí áp dụng BIM tại Việt Nam, hướng dẫn BIM cho công trình giao thông trên địa bàn TP Hà Nội và ứng dụng BIM trong thiết kế, thi công và quản lý dự án cầu đường đã được các chuyên gia chuyên gia hàng đầu đền từ các đơn vị quản lý nhà nước, đơn vị đào tạo – nghiên cứu, các tổ chức tư vấn và doanh nghiệp uy tín trong ngành xây dựng, bao gồm Viện Kinh tế xây dựng - Bộ Xây dựng, Ban QLDA Đầu tư Xây dựng chuyên ngành - Bộ Xây dựng, Công ty TNHH Công nghệ cao Hài Hòa, Viện Khoa học công nghệ Vinasa – Hiệp hội Phần mềm Việt Nam và Tổng Công ty Tư vấn thiết kế Giao thông vận tải (TEDI) trình bày.

TS. Tạ Ngọc Bình - Trưởng phòng Kinh tế đầu tư, Viện Kinh tế xây dựng, Bộ xây dựng trình bày tham luận

Th.S Tường Thế Biên - Quản lý BIM - Công ty TNHH CNC Hải Hòa trình bày tham luận

Buổi tọa đàm tổ chức theo mô hình kết hợp giữa đơn vị Quản lý nhà nước, đơn vị đào tạo – nghiên cứu và tổ chức doanh nghiệp, đã thu hút được sự quan tâm lớn của các tổ chức kinh tế -xã hội, các nhà khoa học trong lĩnh vực GTVT đã thu hút sự tham gia, thảo luận sôi nổi của gần 100 đài biểu khách mời đến từ Các Sở, Ban, Ngành, các Phòng Quản lý giao thông, Ban QLDA Giao thông – xây dựng của các Quận, huyện của TP Hà Nội, các đơn vị chức năng của Bộ Xây dựng, Bộ Giao thông vận tải và Cục Đường Bộ Việt Nam, các đơn vị đào tạo, tư vấn và doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực GTVT và xây dựng; góp phần hoàn thiện chính sách về mô hình thông tin công trình xây dựng cho Chính phủ, cho Hà Nội và chia sẻ những kinh nghiệm kĩ thuật quý báu cho việc triển khai BIM thành công trong địa bàn Thủ đô.