Từ ngày 15/04 – 19/04/2024, GS. TS. Nguyễn Ngọc Long – Hiệu trưởng Trường ĐHGTVT đã tham gia đoàn công tác của Bộ Giáo dục và Đào tạo do Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn dẫn đầu, tham dự Diễn đàn Hiệu trưởng các trường đại học Nga - Việt lần thứ II, đồng thời đến thăm và làm việc với các trường đại học của Liên bang (LB) Nga tại thành phố Moscow và Saint Peterburg.

Tiếp nối thành công của Diễn đàn lần thứ I tổ chức tại Việt Nam năm 2019, Bộ Khoa học và giáo dục đại học của LB Nga và Bộ Giáo dục và Đào tạo của Việt Nam phối hợp tổ chức Diễn đàn Hiệu trưởng các trường đại học Việt Nam – LB Nga lần thứ II vào ngày 18/4/2024 tại Trung tâm Trí tuệ - Thư viện cơ bản của Đại học Tổng hợp quốc gia Moskva mang tên M.V. Lomonosov (MGU, được thành lập năm 1755).

Sự kiện có sự tham dự của Thứ trưởng Bộ Khoa học và Giáo dục Đại học LB Nga Konstantin Mogilevsky; Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam Hoàng Minh Sơn; Đại sứ Việt Nam tại LB Nga Đặng Minh Khôi; Chủ tịch Hiệp hội Hiệu trưởng các trường đại học LB Nga, Hiệu trưởng Đại học MGU - Viện sỹ Viktor Sadovnichy; cùng đại diện của khoảng 40 trường đại học của LB Nga và 21 trường đại học của Việt Nam.

Hiệu trưởng Trường Đại học Giao thông vận tải - Giáo sư Nguyễn Ngọc Long và Hiệu trưởng Đại học MGU - Viện sỹ Sadovnickyi Viktor Antonovich đồng điều hành Diễn đàn.

Mở màn sự kiện, các đại biểu đã nghe lời chúc mừng gửi tới diễn đàn của Phó Thủ tướng LB Nga Dmitry Chernyshenko, cũng như Chủ tịch Ủy ban Khoa học, Giáo dục và Văn hóa Hội đồng Liên bang (Thượng viện) Nga, bà Lilia Gumerova.

Phát biểu khai mạc, Thứ trưởng Konstantin Mogilevsky đã nhắc lại câu nói của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đó là “ “Vì lợi ích mười năm thì phải trồng cây, vì lợi ích trăm năm thì phải trồng người”, ông khẳng định thúc đẩy phát triển tài nguyên con người trong mối quan hệ hợp tác giữa hai nước là một trong những nhiệm vụ của các trường đại học hai bên.

Theo Thứ trưởng Mogilevsky, hiện tại LB Nga có khoảng 3.000 du học sinh Việt Nam đang học tập và nghiên cứu, 70% số này đi theo diện học bổng giữa hai chính phủ và hằng năm Chính phủ Nga dành 1.000 suất học bổng cho các du học sinh Việt Nam, do đó cần xem xét cập nhật hệ thống tuyển sinh để ngày càng nhiền du học sinh Việt Nam có thể sang LB Nga học tập và nghiên cứu.

Ông Mogilevsky cũng khẳng định Việt Nam là đối tác truyền thống của LB Nga trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo, đặc biệt là việc đào tạo các chuyên gia thuộc những ngành nghề mới.

Trong bài phát biểu của mình, Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn cho rằng hợp tác và giáo dục đào tạo nói chung và hợp tác giữa các trường đại học của hai bên vẫn chưa tương xứng với tiềm năng và mong muốn của hai bên. Để hợp tác có hiệu quả hơn nữa trong thời gian tới, Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn đề nghị các Hiệu trưởng đánh giá kết quả đạt được trong hợp tác giáo dục giữa hai nước, chỉ ra những hạn chế, vướng mắc, nguyên nhân và đề xuất các biện pháp để tăng cường nâng cao hiệu quả hợp tác. Kiến nghị tăng số lượng các chương trình liên kết đào tạo với các trường đại học của LB Nga, trong đó chú trọng hơn các lĩnh vực mà LB Nga có thể mạnh và phía Việt Nam có nhu cầu đào tạo; Tăng cường trao đổi sinh viên và giảng viên thông qua việc sử dụng hiệu quả chương trình đã ký kết theo hiệp định; đẩy mạnh hợp tác nghiên cứu khoa học giữa các trường đại học của LB Nga với Việt Nam.

Về phần mình, Đại sứ Đặng Minh Khôi nhấn mạnh năm nay là năm kỷ niệm 30 năm Việt Nam và LB Nga ký Hiệp ước về những nguyên tắc cơ bản của quan hệ hữu nghị giữa hai nước và đặc biệt hơn là kỷ niệm 70 năm ngày 100 “hạt giống đỏ” đầu tiên được Chủ tịch Hồ Chí Minh cử sang Liên Xô học tập. Trong giai đoạn tới, Việt Nam tiếp tục xác định LB Nga là đối tác quan trọng trong hợp tác giáo dục-đào tạo, mong muốn ngày càng có nhiều sinh viên sang học tập tại LB Nga đồng thời nhất trí với quan điểm của Thứ trưởng Mogilevsky về việc cải thiện công tác tuyển sinh, tạo điều kiện cho du học sinh học tập tại LB Nga, cũng như tìm được việc làm.

Tại diễn đàn 12 báo cáo, tham luận của các cơ sở giáo dục đại học hai nước được trình bày đề xuất về hợp tác song phương và trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm thúc đẩy mối quan hệ hợp tác trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo. Có 30 văn bản hợp tác giữa các trường đại học được trao tại diễn đàn, trong đó Trường ĐHGTVT có 03 thoả thuận hợp tác về đào tạo, khoa học công nghệ, trao đổi giảng viên/sinh viên với:

- Đại học Tổng hợp quốc gia Moskva (MGU)

- Đại học Giao thông của Nga (RUT, tên thường gọi MIIT)

- Đại học Giao thông Đường bộ Moskva (MADI)

Trong chương trình chuyến công tác tại LB Nga, ngày 16/4, đoàn công tác Trường ĐHGTVT cùng đoàn công tác Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam đã đến thăm và làm việc cùng Trường Đại học Nghiên cứu quốc gia Hàng không Moscow (MAI).

Hiện tại, MAI có hơn 120 phòng thí nghiệm hiện đại, nhiều trung tâm nghiên cứu xuất sắc về các lĩnh vực: Mô hình toán học, vật liệu tổng hợp, hệ thống năng lượng, hệ thống không gian, hệ thống điện tử hàng không và phương tiện không người lái. Đặc biệt MAI là trường đại học duy nhất trên thế giới có sân bay riêng.

Với việc Việt Nam đang quan tâm đến công nghệ điều khiển hàng không, công nghệ mô phỏng, ứng dụng CNTT trong dự báo thảm hoạ ... và đây đều là những thế mạnh của MAI, Thứ trưởng mong muốn đẩy mạnh quan hệ hợp tác giữa các trường Đại học tại Việt Nam với MAI.

GS.TS. Nguyễn Ngọc Long - Hiệu trưởng Nhà trường đã có những trao đổi riêng với Hiệu trưởng Trường MAI, bày tỏ niềm vui khi đến thăm và làm việc tại trường; đề xuất một số hướng hợp tác giữa hai bên trong tương lai liên quan đến lĩnh vực điều khiển, vật liệu, cơ khí, an toàn bảo mật thông tin. Trước và sau buổi làm việc, đoàn công tác đã đến thăm quan phòng thí nghiệm “Trạm quỹ đạo “Almaz”; các phòng thí nghiệm “Thiết kế và chứng nhận kỹ thuật hàng không”, “Thiết kế trực thăng”; “Aerocomposite”; Trung tâm năng lực mô hình toán học và có buổi gặp gỡ Du học sinh Việt Nam đang học tập tại LB Nga.

Ngày 19/4, đoàn công tác Trường ĐHGTVT đã đến thăm và làm việc với Trường Đại học Kỹ thuật điện Saint Petersburg (LETI, thành lập năm 1886) và Trường Đại học Giao thông St. Petersburg Hoàng đế Alexander I (PGUPS, thành lập năm 1809) tại thành phố Saint Petersburg. Đoàn công tác đã làm việc với lãnh đạo Nhà trường trao đổi định hướng hợp tác và thăm quan các phòng thí nghiệm.

Riêng tại Trường PGUPS, Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn cùng đoàn công tác của Bộ đã chứng kiến lễ ký thỏa thuận hợp tác giữa lãnh đạo hai trường đại học giao thông vận tải lâu đời nhất của Việt Nam và LB Nga. 

Nội dung hợp tác bao gồm:

1. Xây dựng các chương trình đào tạo và nghiên cứu chung.

2. Tích cực nghiên cứu trong các lĩnh vực hai bên cùng quan tâm với nguồn kinh phí phù hợp. 3. Công bố chung các kết quả nghiên cứu sẽ được tiến hành.

4. Trao đổi giảng viên, nhà nghiên cứu, chuyên gia và sinh viên theo yêu cầu.

5. Trao đổi thông tin liên quan đến các thành tựu khoa học quan trọng, các hội nghị và hội thảo chuyên đề, cũng như các thỏa thuận liên quan đến việc tổ chức các ngày kỷ niệm và các sự kiện đáng nhớ.

6. Các hoạt động hợp tác khác mà hai bên cùng quan tâm.

Có thể nói, với sự tham gia tích cực và đảm nhận trọng trách đồng điều hành Diễn đàn Hiệu trưởng các trường đại học Việt – Nga lần thứ II, Trường ĐHGTVT đã đóng góp một phần vào thành công chung của đoàn công tác tại LB Nga. Trong quan hệ hợp tác với các trường đối tác, Trường ĐHGTVT tập trung vào phối hợp đào tạo Nghiên cứu sinh theo Đề án 89, xây dựng các dự án nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ. Riêng với Trường MADI hai bên thúc đẩy phát triển Tạp chí quốc tế 3 trường, chú trọng hợp tác trong lĩnh vực Tổ chức giao thông đô thị; Đối với Trường MIIT và Trường PGUPS chú trọng hợp tác trong lĩnh vực đường sắt đô thị và đường sắt tốc độ cao.

ICDS