Ngày 26/2/2020 tại Trường Đại học Hà Nội đã diễn ra Hội nghị khởi động dự án “Đổi mới quản trị đại học tại Đông Nam Á - PURSEA”. Dự án do tổ chức các trường đại học Pháp ngữ - Văn phòng khu vực châu Á - Thái Bình Dương (AUF-DRAP) chủ trì cùng 15 trường đại học tại Châu Âu, Châu Á xây dựng từ đầu năm 2019 và mới được Cơ quan điều hành Giáo dục, Nghe nhìn và Văn hóa (EACEA) thuộc Ủy ban Châu Âu phê duyệt tài trợ trong vòng ba năm (2020-2023). Mục đích chính của dự án là tăng cường năng lực quản trị đại học cho 08 cơ sở giáo dục đại học ở Đông Nam Á thông qua việc hỗ trợ xây dựng và triển khai hoạch định chiến lược phát triển của từng đơn vị, phù hợp với bối cảnh và đặc điểm của từng trường.

Các trường trong khu vực Đông Nam được thụ hưởng trực tiếp gồm 06 trường đại học Việt Nam và 2 trường đại học Campuchia cụ thể là: Trường Đại học Hà Nội, Trường Đại học Giao thông vận tải, Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội, Trường Đại học Bách khoa - Đại học Đà Nẵng, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Trường Đại học Kinh tế - Luật (cùng thuộc Đại học Quốc TPHCM), Viện Công nghệ Campuchia, Đại học Khoa học Y tế Campuchia.

Các đối tác châu Âu bao gồm Trung tâm Nghiên cứu Khoa học Quốc gia, Trường Đại học Lorraine, Trường Đại học Bordeaux Montaigne, Trường Đại học Bretagne Occidentale, Trường Đại học Toulon, Trường Đại học Duisburg-Essen, Trường Đại học Tự do Bruxelles là các đơn vị cung cấp chuyên gia có kinh nghiệm về quản trị đại học, quản lý thay đổi, quản lý rủi ro tới tập huấn nâng cao năng lực cho các trường trong khu vực Đông Nam Á. Tổ chức AUF đóng vai trò đồng điều phối, quản lý hành chính và tài chính của dự án.

Các đại biểu dự Hội nghị khởi động dự án “Đổi mới quản trị đại học tại Đông Nam Á” chụp hình lưu niệm.

Ba mục tiêu của dự án PURSEA gồm: xây dựng phương pháp và bộ công cụ cần thiết nhằm nâng cao chất lượng công tác hoạch định chiến lược của từng trường thành viên; triển khai thực hiện một kế hoạch hành động ưu tiên trong nhà trường cũng như các cơ chế quản trị và hỗ trợ cho sự thay đổi; xây dựng bộ công cụ nhằm tập hợp, chia sẻ và tư vấn, hỗ trợ hoạch định chiến lược của các trường đại học trong khu vực.

Để đạt được các mục tiêu trên, các trường tham gia dự án sẽ trao đổi kinh nghiệm, hỗ trợ nhau triển khai hoạt động thông qua các khoá tập huấn tại Việt Nam và nước ngoài.

Hoạt động của Dự án được chia thành 10 nhóm:

HĐ 1: Khởi động dự án;

HĐ 2: Tự đánh giá mức độ và đặc điểm tự chủ của các trường đại học;

HĐ 3: Phân tích môi trường bên ngoài trường đại học;

HĐ 4: Tự đánh giá chiến lược phát triển của các trường đại học, phân tích nội tại;

HĐ 5: Xây dựng kế hoạch và bộ công cụ hoạch định chiến lược;

HĐ 6: Triển khai và giám sát việc thực hiện kế hoạch hành động trong nhiều năm. 

HĐ 7: Tăng cường năng lực lãnh đạo của các trường thích ứng với sự thay đổi;

HĐ 8: Đảm bảo chất lượng, ứng phó với rủi ro và đánh giá nội bộ;

HĐ 9: Khai thác và chuyển giao kết quả dự án;

HĐ 10: Quản lý chung, quản lý hành chính và tài chính của dự án.

Trường Đại học Giao thông vận tải và Trường Đại học Tự do Bruxelles được phân công phụ trách nhóm hoạt động số 6.

Các đại biểu của nhà trường chụp hình lưu niệm với đại diện các đơn vị điều phối dự án: tổ chức AUF và trường Đại học Hà Nội

Theo chuỗi hoạt động của dự án, chiều ngày 27/2/2020, đoàn chuyên gia đánh giá ngoài của dự án đã đến thăm và làm việc với Trường Đại học Giao thông vận tải. Trao đổi với đoàn, Hiệu trưởng nhà trường, PGS.TS Nguyễn Ngọc Long đã chia sẻ những thách thức, khó khăn hiện tại và định hướng trong tương lai của Nhà trường đồng thời bày tỏ cam kết, nỗ lực của Nhà trường khi tham gia dự án với mong muốn đổi mới năng lực quản trị của nhà trường. Đoàn chuyên gia đánh giá cao những thành quả hiện có của nhà trường cùng nỗ lực nâng cấp trang thiết bị, cơ sở vật chất hiện đại phục vụ giảng dạy và nghiên cứu.