I. BỐI CẢNH XÂY DỰNG DỰ ÁN

Giáo dục đại học của các nước trên thế giới nói chung và ở Việt Nam cũng như Campuchia nói riêng đang phải đối mặt với nhiều sự thay đổi ở trên tất cả các mặt : kinh tế, xã hội, môi trường, công nghệ, phát luật. Những thay đổi này buộc các cơ sở giáo dục đại học phải xem xét lại mô hình, nội dung, phương thức đào tạo để có thể đáp ứng và thích nghi với điều kiện mới, vượt qua những thách thức như : vai trò và trách nhiệm xã hội của trường đại học trong sự phát triển của một quốc gia, nhu cầu học tập suốt đời, sự phát triển của khoa học công nghệ đặc biệt là công nghệ kỹ thuật số

Bên cạnh đó, trong môi trường nội tại của một trường đại học tại Đông Nam Á, quá trình tự chủ đại học, nâng cao năng lực nghiên cứu khoa học và chất lượng đào tạo để đáp ứng chuẩn khu vực và quốc tế, đa dạng hóa các ngành đào tạo để đáp ứng yêu cầu nguồn nhân lực chất lượng cao của nền kinh tế, đa dạng nguồn thu để đảm bảo sự tồn tại của các trường đang là bài toán cần phải giải quyết. Nâng cao năng lực, cải thiện chất lượng quản trị theo hướng tự chủ, tiên tiến và hiệu quả đang là xu hướng chính mà các cơ sở giáo dục đại học theo đuổi để giải bài toán này.

Giáo dục đại học của các nước Đông Nam Á như Việt Nam và Campuchia cũng không nằm ngoài xu hướng trên. Những thay đổi này thúc đẩy chính phủ các nước ban hành các thể chế yêu cầu các cơ sở giáo dục đại học thay đổi và thích nghi. Cụ thể :

Ở Campuchia, những định hướng chiến lược về chính sách giáo dục đại học – tầm nhìn 2030 yêu cầu các cơ sở giáo dục đại học xây dựng kế hoạch cải thiện chất lượng quản trị và quản lý trong lĩnh vực giáo dục đại họcxây dựng kế hoạch thành lập một trường đại học kiểu mẫu, chất lượng cao, vận hành dựa trên cơ chế tự chủ.

Ở Việt Nam, Quốc hội đã ban hành Luật số 34/2018/QH14 Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học trong đó có những điều chỉnh quan trọng về định hướng và chính sách phát triển giáo dục đại học, đặc biệt là về nội dung mở rộng và trao quyền quyền tự chủ cho các cơ sở giáo dục.

Bên cạnh đó, mỗi địa phương, thành phố đều có đặc thù riêng và nhu cầu phát triển dựa trên đặc thù đó, dẫn tới việc các trường đại học đặt trên địa bàn này phải có trách nhiệm xã hội trong việc nâng cao chất lượng đào tạo, tăng cường cơ hội việc cho sinh viên, cung cấp nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu địa phương. Đối với hoạt động nghiên cứu khoa học, các trường cần phải tái cấu trúc hoạt động nghiên cứu nhằm giải quyết các bài toán thực tế mà nền kinh tế, xã hội của địa phương, quốc gia đang đặt ra.

Đối mặt với những thách thức này, các cơ sở giáo dục đại học khó có thể thành công khi vẫn triển khai hoạt động quản trị theo cơ chế cũ như: lập kế hoạch khi không đủ dữ liệu phân tích bối cảnh phát triển; thiếu những dự đoán chính xác về xu hướng thay đổi của nền kinh tế, xã hội; xây dựng và triển khai các kế hoạch hoạt động hằng năm thay vì kế hoạch dài hạn; kế hoạch được lập thiếu các chỉ số, chỉ báo cụ thể để theo dõi hiệu quả thực hiện; năng lực quản lý, điều hành, giám sát và kiểm tra/đánh giá của đội ngũ lãnh đạo và cán bộ khoa học chưa phù hợp với bối cảnh mới; thiếu đầu tư cho đào tạo cán bộ về hoạch định chiến lược để triển khai đổi mới mô hình quản trị giáo dục đại học.

Để hỗ trợ các trường đại học trong khu vực giải quyết các thách thức nêu trên, Tổ chức các trường đại học Pháp ngữ - Văn phòng khu vực châu Á-Thái Bình Dương (AUF-DRAP) đã kết nối 15 trường đại học tại châu Âu và châu Á để cùng xây dựng Dự án « Đổi mới quản trị đại học tại Đông Nam Á » (PURSEA).

Tháng 12 năm 2019, trong khuôn khổ các dự án Erasmus+ K2 nâng cao năng lực trong lĩnh vực giáo dục đại học do Ủy ban châu Âu tài trợ, Dự án « Đổi mới quản trị đại học tại Đông Nam Á » (PURSEA) do Trường Đại học Hà Nội điều phối đã được Cơ quan điều hành Giáo dục, Nghe nhìn và Văn hóa (EACEA)[1] thuộc Ủy ban châu Âu lựa chọn, tài trợ và thực hiện trong 03 năm từ ngày 15 tháng 1 năm 2020 đến ngày 15 tháng 01 năm 2023.

Dự án PURSEA gồm 16 thành viên: 6 trường đại học Việt Nam 2 trường đại học Campuchia là các đơn vị trực tiếp thụ hưởng kết quả dự án, triển khai đổi mới cơ chế quản trị đại học; 5 trường đại học và viện nghiên cứu của Pháp, 1 trường đại học của Bỉ và 1 trường đại học của Đức là các đơn vị cung cấp chuyên gia và kinh nghiệm quản trị đại học; AUF đóng vai trò đồng điều phối, quản lý hành chính và tài chính của dự án.

 

II. MỤC ĐÍCH, MỤC TIÊU CỦA DỰ ÁN

Dự án PURSEA có mục đích chính là tăng cường năng lực quản trị đại học cho 8 cơ sở giáo dục đại học ở Đông Nam Á thông qua việc hỗ trợ xây dựng và triển khai hoạch định chiến lược phát triển của từng trường, phù hợp với bối cảnh và đặc điểm của mỗi trường.

Các đối tác của dự án sẽ hợp tác nghiên cứu, trao đổi và xây dựng mô hình quản trị từ khi khâu hoạch định chiến lược phát triển cho đến việc xây dựng và triển khai kế hoạch hành động phù hợp với đặc thù của từng trường đại học.

Cụ thể, Dự án sẽ hỗ trợ các trường thành viên triển khai hoạt động để đạt được các mục tiêu sau :

  1. Xây dựng các phương pháp và công cụ cần thiết giúp nâng cao năng lực hoạch định chiến lược phát triển và xây dựng các kế hoạch hành động cho từng cơ sở giáo dục đại học là thành viên của dự án, phù hợp với bối cảnh của quốc gia, khu vực và đặc thù của từng trường.

è Kết quả cần đạt :

  • Một chiến lược phát triển đổi mới và hiệu quả hơn cho mỗi trường đại học thành viên (chiến lược chung cho nhiều lĩnh vực hoạt động của nhà trường).
  • Các kế hoạch hành động chi tiết để cụ thể hóa chiến lược phát triển cho mỗi trường thành viên.

 

  1. Triển khai thực hiện một kế hoạch hành động ưu tiên của trường cũng như các giải pháp quản trị và hỗ trợ sự thay đổi tại mỗi trường.

è Kết quả cần đạt :

  • Một kế hoạch hành động ưu tiên được đưa vào triển khai.
  • Các giải pháp tổng thể về quản trị và quản lý cũng như hỗ trợ sự thay đổi.

 

  1. Xây dựng các công cụ cho phép tập hợp, chia sẻ và tư vấn, hỗ trợ hoạch định chiến lược cũng như hỗ trợ quá trình thay đổi mô hình quản trị và quản lý các cơ sở giáo dục đại học.

è Kết quả cần đạt :

  • Một hệ thống chia sẻ thông tin và chuyển giao kết quả, sản phẩm, bộ công cụ của dự án cho các trường đại học và các cá nhân quan tâm.

 

III. HOẠT ĐỘNG CHÍNH, ĐƠN VỊ PHỤ TRÁCH VÀ KẾT QUẢ CẦN ĐẠT

Trong các nhóm hoạt động dưới đây, nhóm WP 2, 3, 4, 5, 6 là các nhóm quan trọng nhất của dự án, trong đó:

  • WP 2, 3, 4: Khảo sát thực trạng để xây dựng chiến lược phát triển của một trường đại học.
  • WP 5: Soạn thảo chiến lược phát triển và các kế hoạch hành động cụ thể cho từng lĩnh vực.
  • WP 6: Triển khai thí điểm một kế hoạch hành động mà Nhà trường ưu tiên.

 

Nhóm hoạt động (WP)

Đơn vị phụ trách

Kết quả cần đạt / Sản phẩm

WP1 (chuẩn bị)

Khởi động dự án

- Trường ĐH Hà Nội chủ trì

- AUF hỗ trợ

- Tài liệu làm việc của dự án

- Hướng dẫn thực hiện dự án

- Tài liệu giới thiệu và tập huấn

WP2 (triển khai)

Tự đánh giá mức độ và đặc điểm tự chủ của từng trường đại học

- Trường Đại học Bách Khoa – Đại học Đà Nẵng chủ trì

- ĐH Lorraine hỗ trợ

- Tài liệu hướng dẫn phương pháp và tham chiếu để tự đánh giá mức độ và đặc điểm tự chủ của mỗi trường

- 8 báo cáo tóm tắt về việc tự đánh giá mức độ và đặc điểm tự chủ, do các trường ĐH Việt Nam và Campuchia thực hiện

WP3 (triển khai)

Phân tích môi trường bên ngoài các trường đại học

- Trung tâm Nghiên cứu Khoa học quốc gia Pháp chủ trì

- Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn hỗ trợ

- Một báo cáo về việc phân tích môi trường bên ngoài các trường ĐH ở Campuchia

- Một báo cáo về việc phân tích môi trường bên ngoài các trường ĐH ở Việt Nam

- Một báo cáo tổng quan

- Một tài liệu hướng dẫn phương pháp « phân tích môi trường bên ngoài các cơ sở giáo dục đại học »

 

WP4 (triển khai)

Tự đánh giá chiến lược phát triển và các hoạt động của trường đại học (phân tích môi trường nội tại)

- Trường ĐH Khoa học Sức khỏe Campuchia chủ trì

- ĐH Bretagne Occidentale hỗ trợ

 

- Một tài liệu hướng dẫn phương pháp tự đánh giá môi trường nội tại của các cơ sở giáo dục đại học

- 8 báo cáo tóm tắt về kết quả tự đánh giá môi trường nội tại của từng cơ sở giáo dục ĐH của Việt Nam và Campuchia

 

WP5 (triển khai)

Xây dựng cơ chế và công cụ hoạch định chiến lược

- ĐH Lorraine chủ trì

- Trường ĐH Kiến trúc Hà Nội hỗ trợ

 

- Một chiến lược phát triển được từng trường phê duyệt

- Các kế hoạch hành động dài hạn (nhiều năm) nhằm cụ thể hóa chiến lược phát triển của từng trường

 

WP6 (triển khai)

Triển khai và giám sát thực hiện kế hoạch hành động trong nhiều năm

- ĐH Tự do Bruxelles chủ trì

- Trường ĐH Giao thông Vận tải hỗ trợ

 

- Một báo cáo về việc triển khai kế hoạch hành động ưu tiên được từng cơ sở giáo dục thực hiện

- Một tài liệu hướng dẫn việc triển khai kế hoạch hành động ưu tiên

 

WP7 (triển khai)

Nâng cao năng lực và thích ứng với sự thay đổi

- ĐH Toulon chủ trì

- Viện Công nghệ Campuchia hỗ trợ

 

- Tài liệu phục vụ đào tạo và nâng cao năng lực cho đội ngũ lãnh đạo và cán bộ quản lý

- Các tài liệu hướng dẫn phương pháp tăng cường năng lực cho đội ngũ nhân sự, xác định mức độ trách nhiệm trong từng trường

 

WP8 (đảm bảo chất lượng)

Đảm bảo chất lượng, ứng phó với rủi ro và đánh giá nội bộ

- Trường Duisburg-Essen chủ trì

- Trung Tâm NCKH quốc gia Pháp hỗ trợ

 

- Một kế hoạch kiểm soát chất lượng và các công cụ phục vụ tự đánh giá

- Báo cáo đánh giá của các chuyên gia độc lập

 

WP9 (khai thác và chuyển giao)

Khai thác và chuyển giao kết quả dự án

- Trường ĐH Bordeaux Montaigne chủ trì

- Trường ĐH Hà Nội hỗ trợ

 

- Một trang web phục vụ truyền thông cho dự án và một tài liệu hướng dẫn sử dụng

- Một plateforme và tài liệu hướng dẫn người dùng  

- Các quy định và quy tắc về chia sẻ tài liệu, và về việc xuất bản các tài liệu đưa lên mạng

- Một cơ sở dữ liệu chuyên gia về hoạch định chiến lược

- Thường xuyên cập nhật những sự kiện liên quan đến nội dung của dự án

 

WP10 (quản lý)

Quản lý dự án, Quản lý hành chính và tài chính

- Trường ĐH Hà Nội chủ trì

- AUF hỗ trợ

 

- Quản lý, giám sát các hoạt động của dự án và điều phối, thực hiện các nhiệm vụ theo kế hoạch đã định

- Báo cáo tổng kết và kiểm toán tài chính nộp cho cơ quan EACEA trong thời gian theo quy định

 

 

IV. VAI TRÒ CỦA CÁC ĐỐI TÁC LIÊN QUAN ĐẾN DỰ ÁN

  1. Vai trò của EACEA
  • Tổ chức EACEA là đơn vị đại diện Uỷ ban châu Âu quản lý dự án.
  • Quản lý tài trợ của Uỷ ban châu Âu cho dự án là 946.047 EUR.
  1. Trường Đại học Hà Nội
  • Trường điều phối dự án, đại diện cho các trường đối tác làm việc với EACEA.
  • Phụ trách các hoạt động chuyên môn của dự án.
  • Đồng tài trợ dự án bằng các hình thức đối ứng của trường.
  1. Tổ chức đại học Pháp ngữ (AUF)
  • Đồng điều phối dự án với Trường Đại học Hà Nội, phụ trách các vấn đề hành chính, tài chính và một số hoạt động khác theo đề nghị của Trường Đại học Hà Nội.
  • Đồng tài trợ dự án bằng các hình thức đối ứng của AUF.
  1. 14 trường đại học và viện nghiên cứu thành viên của dự án
  • Tham gia thực hiện các nhiệm vụ của dự án theo sự phân công.
  • Đồng tài trợ dự án bằng các hình thức đối ứng của các trường.
  1. Các chuyên gia độc lập
  • Hội đồng Khoa học Độc lập gồm 4 chuyên gia về quản trị đại học đóng vai trò tư vấn cho dự án. Bằng các báo cáo định kỳ, chuyên gia sẽ đưa lời khuyên chuyên môn về các điểm mạnh, điểm yếu  và các biện pháp khắc phục để đảm bảo hiệu quả của dự án.
  • Tuỳ theo nhu cầu và ngân sách, dự án sẽ mời thêm một số chuyên gia khác cùng tham gia.

Le soutien apporté par la Commission européenne à la production de la présente publication ne vaut en rien approbation de son contenu, qui reflète uniquement le point de vue des auteurs; la Commission ne peut être tenue responsable d’une quelconque utilisation qui serait faite des informations contenues dans la présente publication

Dự án này được tài trợ bởi Ủy ban Châu Âu. Tác giả bài viết chịu trách nhiệm về nội dung bài viết. Ủy ban Châu Âu không chịu trách nhiệm về việc sử dụng và truyền tải những nội dung có trong bài viết này. 

 

[1] The Education, Audiovisual and Culture Executive Agency (tên viết tắt tiếng Anh EACEA): Cơ quan điều hành Giáo dục, Nghe nhìn và Văn hoá là một cơ quan của Uỷ ban châu Âu, có trụ sở tại Brussel, Bi. Cơ quan này có nhiệm vụ quản lý các dự án trong lĩnh vực giáo dục, văn hóa và nghe nhìn do châu Âu tài trợ.